(TNTT>)
Theo sách “Y tính dược - Thực đồng nguyên” của y sư Nguyễn Đại Năng
thời Trần, thuốc nam và thức ăn đều xuất xứ từ cùng một đặc tính, một
gốc chung. Nếu cây thuốc có đặc tính riêng thì món ăn nào cũng có đặc
thù: tứ khí và ngũ vị.
Tứ khí gồm: ấm, mát, nóng, lạnh. Ngũ vị gồm: mặn, ngọt, cay, đắng và chua.
Khởi phát từ 4 tính khí và 5 vị thuốc, tuy dùng hoạt chất chiết xuất, sao, sắc để chữa trị bệnh song nếu không dùng đúng, dùng liên kết sẽ gây hại cho sức khỏe bệnh nhân. Người trong giới y học cổ truyền vẫn nhớ nằm lòng câu chuyện kể của y sư Tuệ Tĩnh, về trường hợp một lương y mới vào nghề đã tắc trách gây chết một bệnh nhân đau bụng vì kê 2 vị thuốc nhân sâm và cam thảo chung mà không am tường y pháp: “Phúc thống phục sâm, tắc tử”. Thảo dược vốn an toàn, ít khi gây tử vong ngoại trừ bị lạm dụng. Ví dụ: cam thảo chữa ho, suyễn, cảm, viêm xoang và hỗ trợ các vị thuốc khác; nhưng khi kết hợp với nhân sâm, hồng sâm sẽ gây ngộ độc, lạc huyết, tăng huyết áp làm suy, trụy mạch tim.
Các sự kết hợp khác: Thịt dê nóng, thịt cầy ấm, thịt vịt, ngan mát nhưng nếu ăn cùng lúc 2 món có tính khí dị đồng sẽ bị tác động ngộ độc hoặc bệnh tỳ, vị. Do vậy, chúng ta nên hiểu rõ tính âm dương, lưỡng nghi của thức ăn.
* Thủy, hải sản: cua, tôm, ốc, ba ba, rùa, sam tính lạnh, mát, không nên ăn nhiều vào buổi tối.
* Loại da mềm, da trơn: cá diếc, cá trắm cỏ, cá basa, cá tra tính ấm hoặc nóng, không nên ăn nhiều vào buổi sáng.
* Rau, quả, củ căn cứ màu sắc vỏ, ruột để biết tính nóng, lạnh. Rau, quả, củ màu nhạt, vàng chanh như: lê, chuối, củ cải tính lạnh, mát. Rau, quả, củ màu thẫm, xanh lục, đen, đỏ như: hồng, táo, đậu đen, đậu đỏ, ớt, tiêu tính nóng và ấm.
Nói chung, khi cơ thể khỏe mạnh, khí lực sung mãn thì việc ăn uống không cần cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi cơ thể suy yếu nên chọn thức ăn hợp tính khí âm dương. Cho đến nay, câu: “Dược bổ bất như thực bồi” (bồi dưỡng cơ thể bằng thuốc không thể so bằng ăn đúng món) của Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn hữu ích với 4 kiểu cơ thể con người: khỏe mạnh; dương hư; âm hư; lưỡng hư âm dương. Do đó, căn cứ theo thể tạng để ăn uống sẽ tốt hơn dùng thuốc chữa khi bị bệnh.
Đông y sĩ Kiều Bá Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét