Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

CỘI NGUỒN KINH DỊCH VÀ THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH


CỘI NGUỒN KINH DỊCH VÀ THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH

Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương
I - LỊCH SỬ THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG CỔ THƯ CHỮ HÁN.
I – 1: Những vấn đề của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch.
Từ trước đến nay, có thể nói rằng tuyệt đại đa số những ai biết về Kinh Dịch đều mặc nhiên coi kinh Dịch và tất cả những phương pháp ứng dụng liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành là của nền văn minh Hoa Hạ cổ với hàng ngàn đầu sách bằng bản văn chữ Hán viết về nó trong hàng thiên niên kỷ. Người ta không thấy một văn bản nào ngoài chữ Hán trong các sách vở từ hàng ngàn năm này liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Từ Thiên văn, lịch số, Đông y, phong thủy, các phương pháp bói toán…… Đã rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến Kinh Dịch. Những bản văn chữ Hán cổ này xác định rõ tác giả, thời gian xuất hiện trong lịch sử văn minh Hoa Hạ. Và những hiệu quả ứng dụng vượt thời gian trong lịch sử phát triển của con người và xuyên qua mọi không gian văn với khả năng tiên tri, đã biện minh cho tác giả và xuất xứ của nó.

Nhưng, khi có sự giao lưu giữa nền văn hóa Đông Tây thì người ta đã nhận thấy sự bí ẩn và tính mơ hồ của những gía trị liên quan đến nguyên lý lý thuyết có tính nền tảng của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Nền văn minh Đông phương trở thành huyền bí trong nhận thức của tri thức khoa học hiện đại. Đã có một thời gian dài, các học giả Tây phương cho rằng Lý học Đông phương mang màu sắc tôn giáo và mê tín dị đoan.

Nhưng những thập kỷ gần đây, những tri thức khoa học Tây phương đang chiếm ưu thế và được tôn vinh trong tri thức nhân loại hiện đại bắt đầu quan tâm đến nền văn hóa cổ Đông phương và nhận ra tính minh triết và đặt vấn đề về tính khoa học của nó. Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc đã 4 lần tổ chức đại hội thảo về Kinh Dịch ở Bắc Kinh để tìm hiểu về Kinh Dịch, nhưng vẫn không có một kết luận cuối cùng về nó. Những bí ẩn của Kinh Dịch hay nói rộng hơn của Lý học Đông phương mà cốt lõi là thuyết Âm Dương Ngũ hành vẫn không được khai thông. Những học giả Trung Quốc hiện đại trong những năm gần đây, đã dấy lên một phòng trào phủ nhận những gía trị của Đông Y và Phong thủy, vì cho rằng nó mơ hồ, không có cơ ở khoa học, nên đã không thể phát triển từ hàng ngàn năm nay. Kinh Dịch và nói rộng hơn là thuyết Âm Dương Ngũ hành vẫn sừng sững thách đố tri thức của nhân loại bằng sự mơ hồ của những khái niệm và hiệu quả trên thực tế từ hàng thiên niên kỷ.

Nhưng có thể nói rằng: Cũng từ hàng ngàn năm nay, hầu hết những đề tài nghiên cứu này đều mặc nhiên coi những nguyên lý, những tiên đề ghi nhận trong Kinh Dịch là không bàn cãi và lấy đó làm tiêu chí để tìm hiểu nội dung bí ẩn của nó. Mặc dù xuất xứ của các nguyên lý có tính tiên đề đó hết sức thần bí. Đó là Hà Đồ được xác định là do con Long Mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà trên minh mang những dấu ấn là những vòng xoáy trên lưng. Căn cứ vào đấy vua Phục Hy, được coi là vị vua Thái cổ của nền văn minh sử Hán đã lập nên đồ hình Hà Đồ. Từ đồ hình này, nhà vua đã tạo nên đồ hình Tiên Thiên Bát quái. Mở đầu cho một nền văn hóa Dịch học của xứ sở Đông Phương huyền bí.



Con Long Mã huyền thoại từ 6000 năm trước, nay trở thành một biểu tượng cho điềm lành 
dùng trong những gia đình tin vào tác dung mang lại may mắn của nó.
 Nguồn: mynga.vn


Đồ hình Hà Đồ điểm, được các đạo gia công bố vào đời Tống – 
5000 năm sau khi lịch sử văn hóa Hán xác nhận thời điểm ra đời của nó
vào đời vua Phục Hy từ trên lưng con Long Mã hiện lên ở sông Hoàng Hà.





Đồ hình Tiên Thiên Bát quái tương truyền do vua Phục Hy sáng tạo 
căn cứ vào Hình Hà đồ trên lưng con Long Mã.

Sự huyền bí chưa dừng lại ở đây. Cổ thư chữ Hán còn xác định rằng: Đến thời Vua Đại Vũ – 4000 năm cách ngày nay – khi đi trị thủy ở sông Lạc – thấy con Thần Quy hiên lên. Trên đầu, lưng mai và đuôi có những vết chấm. Nhà vua nhìn thấy và làm ra đồ hình Lạc Thư. Căn cứ vào Lạc Thư ngài đã phát minh ra Ngũ Hành trong trước tác nổi tiếng là “Hồng Phạm cửu trù”.




Vẽ lại hình con rùa



Hình minh họa những điểm trên thân Thần Qui hiện trên sông Lạc và đồ hình Lạc Thư điểm. Cũng do các đạo gia đời Tống công bố sau khi lịch sử văn hóa Hán xác nhận lịch sử ra đời 3000 năm sau đó.



Cấu trúc cửu trù theo Lạc Thư – Trù thứ nhất nói về Ngũ hành.

Một ngàn năm sau nữa, cũng theo cổ thư chữ Hán viết rằng: Vua Văn Vương nhà Chu, lúc còn là một chư hầu của nhà Hạ dưới đời Trụ Vương, đã bị Trụ Vương bắt nhốt vào ngục Dữu Lý, đã nghiệm ra Hậu Thiên Bát Quái và lập nên hệ thống 64 quẻ Dịch gọi là Chu Dịch, viết nên Soán Từ - tức là giải thích ý nghĩa của từng quẻ trong hệ thống 64 quẻ Hậu Thiên Bát quái. Sau đó con của ngài là Chu Công Đán đã viết tiếp Hào từ - Tức là giải thích ý nghĩa của từng vạch trong một quẻ.

Phải chăng: Người ta đã không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.

Bất cứ cái gì xuất hiện trên thế gian đều phải có hoàn cảnh ra đời của nó. Một học thuyết thì phải có lịch sử ra đời theo thuận tự hợp lý với nội dung của nó. Thuyết Âm Dương Ngũ hành không thể từ trên trời rơi xuống, nên nó cũng không thể ngoại lệ. Chưa hết, Một học thuyết được coi là hoàn chỉnh, dù chưa biết đúng hay sai thì cũng không thể tự mâu thuẫn ngay trong cấu trúc nội dung của nó. Và nếu là một học thuyết khoa học thì nó pjhải mô tả được thực tế khách quan và giải thích một cách hợp lý những thực tại liên quan đến nó với khả năng dự báo.

Trên cơ sở này, xin mời bạn đọc cùng xem lại những vấn đề được nêu ra ở trên để minh xác cội nguồn Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành. 


I - 2: Những mâu thuẫn bất hợp lý trong lịch sử Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành từ cổ thư chữ Hán.

Tất cả những ai tìm hiểu về Kinh Dịch, nếu chịu khó suy ngẫm một chút đều nhận thấy ngay tính bất hợp lý và mâu thuẫn trong lịch sử Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành qua cổ thư chữ Hán. Điểm lại thời gian xuất hiện của Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành qua các bản văn chữ Hán, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay sự vô lý trong thời gian lịch sử của nó. Những sự kiện này, cổ thư chữ Hán miêu tả như sau:

- Cách đây 6000 năm, Vua Phục Hy thấy con Long Mã hiện lên trên sông Hoàng hà, trên mình có những xoáy bèn nghĩ ra Hà Đồ. Căn cứ trên Hà Đồ làm ra Tiên Thiên bát quái. Nhưng, những điều này chỉ được lịch sử ghi nhận sự kiện va 2không có văn bản nào cho biết rõ ký hiệu Tiên Thiên bát quái và Hà Đồ có cấu trúc như thế nào. Những đồ hình này chỉ thực sự xuất hiện vào đời Tống sau đó 5000 năm.

- Sau đó 1000 năm – Tức 5000 năm cách ngày nay – Hoàng Đế là một vị vua được coi là khai sáng nên dân tộc Hán cùng các đại thần của ngài làm nên cuốn: Hoàng Đế nội kinh tố vấn.

- Sau 1000 năm nữa tiếp theo – Tức 4000 năm cách ngày nay – Vua Đại Vũ cũng vốn là một vị vua huyền thoại, đi trị thủy trên sông Lạc gặp một con rùa Thần có những chấm trên đầu, chân, mai bèn nghĩ ra Lạc Thư và viết Hồng Phạm cửu trù. Trong Hồng Phạm cửu trù khái niệm Ngũ hành xuất hiện.. Hồng phạm cửu trù được nhắc tới trong thiên Vũ Cống của kinh Thư. Nhưng đồ hình Lạc thư như thế nào cũng không rõ và cũng chỉ được công bố vào đời Tống, tức là hơn 3000 năm sau khi cổ thư nhắc tới sự kiện này.

- Tiếp theo 1000 năm nữa – Tức 3000 năm cách ngày nay – Vua Văn Vương bị giam trong ngục Dữu Lý 7 năm, dựa vào Lạc Thư, sắp xếp lại Tiên Thiên Bát quái thành Hậu Thiên Văn Vương và cấu trúc nên 64 quẻ Hậu Thiên. Ngài cùng con trai là Chu Công Đán viết Soán Từ, Hào từ cho 64 quẻ Chu Dịch. Đồ hình Hậu Thiên Bát quái Văn Vương, cũng chỉ được công bố vào đời Tống sau đó 2000 năm.

- Tiếp theo 500 năm sau – Tức 2500 năm cách ngày nay – Khổng Tử lúc về già, viết thập Dực, Hệ từ thương, Hạ truyện và thuyết quái truyện - hoàn thành bộ Chu Dịch truyền đến ngày nay. Trong trước tác của Khổng tử nói tới Âm Dương, Thái cực và lưỡng nghi.

- 200 năm tiếp theo – Tức khoảng 2300 năm cách ngày nay - Xuất hiện phái Âm Dương gia được coi là phát triền thuyết Ngũ hành. Dấu ấn của Ngũ hành còn thấy trong sách Lã Thị Xuân thu, được coi là của Lã Bất Vi, tể tường đời Tần.

Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng thuyết Âm Duơng và Ngũ hành hòa nhập vào đời Hán.



- 1000 năm sau Công Nguyên xuất hiện các đồ hình - Hà Đồ, Lạc Thư, Hậu thiên, Tiên thiên bát quái - do các đạo gia như Thiệu Khang Tiết, Trần Đoàn Lão Tổ công bố và họ vẫn thừa nhận tác giả những đồ hình này thuộc về Phục Hy, Đại Vũ và Chu Văn Vương như đã trình bày ở trên. Trần Đoàn Lão tổ còn được coi là tác giả của môn Tử Vi , Thiệu Khang Tiết còn được coi là tác giả của Mai Hoa Dịch số.

Trong suốt hơn 2000 năm, việc nghiên cứu, tìm hiểu Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành được các nhà nghiên cứu Hán nho - tiềm hiểu từ đó đến nay - bắt đầu từ: Mao Diên Thọ, Kinh Phòng, Mạnh Hỷ - Đời Hán...vv..mỗi đời đều để lại những triết gia nổi tiếng về thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Nhiều thành tựu nhất là đời Tống nổi tiếng với Chu Hy với thuyết Vô cực và được nhiều người tin cho đến ngày nay.

Riêng cuốn Hoàng đế Nội Kinh tố vấn - được các nhà nghiên cứu cho là xuất hiện từ thế kỷ thứ II BC đến thế kỷ I AC – nhưng có nội dung bản văn miêu tả Hoàng Đế đối thoại với Kỳ Bá và Quỉ Du khu từ 5000 năm cách ngày nay và hoàn toàn dùng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành - được coi là phương pháp luận căn bản của Đông Y thì không thể đặt vào bất kỳ thời kỳ lịch sử nào trong văn minh Trung Hoa. Bởi vì với nội dung này, nó đã xác minh rằng: Phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành đã xuất hiện trước tất cả những tác gỉa được coi là phát minh ra học thuyết này là Đại Vũ, Khổng Tử và cả phái Âm Dương gia (Vốn được cho là tồn tại vào khaỏng thế kỷ thứ III BC. Tức là sau thời gian xuất hiện của cuốn Hoàng Đế nội kinh hơn 5000 năm?).

khi phương pháp luận của nó được ứng dụng trong nội dung của nó. Mặc nhiên cuốn “Hoàng đế nội kinh tố vấn” đã phủ nhận toàn bộ lịch sử phát triển của thuyết Âm Dương Ngũ hành miêu tả trong cổ thư chữ Hán. 

1 – 3: Kết luận:
Bất cứ một lý thuyết nào cũng phải được hình thành từ nhận thức trực quan sinh động đến tư duy trừu tương và tổng hợp thành một lý thuyết. Tất nhiên nó phải có một nền tảng tri thức xã hội hình thành nên lý thuyết đó với những khái niệm được phổ biến trong nền văn minh tạo ra nó. Nhưng hàng ngàn năm tiếp theo đã trôi qua, Chính nền văn minh Họa Hạ cũng không lý giải được những khái niệm của một lý thuyết mà được coi là của họ . 
Những mâu thuẫn trong thuận tự thời gian hình thành thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch trong cổ thư chữ Hán đã xác định nền văn minh Hoa Hạ không phải cội nguồn của Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành. Muốn lịch sử thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch thuộc về văn minh Hoa Hạ thì phải viết lại toàn bộ xuất xứ theo thuận tự nói trên, mà chính bản văn chữ Hán ghi nhận. Nhưng như vậy thì tức là tự phủ nhận toàn bộ lịch sử hình thành Thuyết âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch từ cổ thư chữ Hán.

II – NỘI DUNG THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH VÀ KINH DỊCH TRONG BẢN VĂN CHỮ HÁN.

Một học thuyết phải có một nội dung hợp lý với chính nó, cho dù chỉ là một sự hợp lý hình thức với những giả qui luật.

Như vậy chỉ với tính mâu thuẫn trong lịch sử hình thành Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán, cũng đủ chứng tỏ nền văn minh Họa Hạ không thể là chủ nhân của Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành. Khi những thuận tự xuất hiện trong lịch sử thời gian của nó hoàn toàn bất hợp lý theo kiểu:
"Sinh con rồi mới sinh cha.
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông".

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở đây. Một bằng chứng sinh động nữa không kém phần quan trong và xác minh một cách rõ nét nhất rằng: 
Nền văn minh Hoa Hạ không thể là chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch chính là nội dung của nó.
Mâu thuẫn trong nội dung của thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán thể hiện ở những vấn đề quan yếu sau đây:
II – 1: Nền tảng tri thức phổ biến trong văn hóa Hán và thuyết Âm Dương Ngũ hành với Kinh Dịch.

Trên thực tế, một học thuyết xuất hiện phải trên cơ sở nền tảng tri thức phổ biến của xã hội đó để có thể tiếp tục những khái niệm của nó. Nhưng trong thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch lưu truyền trong cổ thư chữ Hán lại không thỏa mãn điều kiện này.

Ngay bây giờ, chính Thiệu Vĩ Hoa - được coi là truyền nhân đời thứ 20 của Thiệu Khang Tiết - một danh gia đời Tống công bố Mai Hoa Dịch số - cũng không biết căn cứ vào đâu để có bảng Lục Thập Hoa giáp. Ông ta đã thừa nhận điều này trong các tác phẩm của mình. Đồng thời xác định rằng: Đã nhiều thế kỷ, những nhà nghiên cứu Trung Hoa cũng không thể hiểu được vì sao có bảng Lục thập hoa giáp.

Thật là vô lý hết sức, khi mà cả một nền văn minh tự coi là cội nguồn của thuyết Âm Dương Ngũ hành mà lại không thể biết được tổ tiên của họ căn cứ vào đâu để có chính những sản phẩm ứng dụng truyền lại. Điều này tự thân nó xác định rằng: Xã hội Trung Hoa cổ không phải là nền tảng tri thức để hình thành nên học thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Đấy cũng chỉ là một thí dụ. Còn rất nhiều những khái niệm mơ hồ và mâu thuẫn ngay trong nội dung của học thuyết này mà chính những nhà nghiên cứu Hoa Hạ hiện đại cũng không giải thích được. Phong trào phủ nhận Đông Y và phong thủy vốn được coi là có xuất xứ Hoa hạ của chính các học giả Trung Quốc hiện đại chứng đỏ điều này. 

II – 2: Mâu thuẫn từ nguyên lý căn để 
của học thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch từ cổ thư chữ Hán.
2 - 1: Hà Đồ và Tiên thiên Bát quái.

Đồ hình dưới đây miêu tả cửu cung Hà Đồ phối với Tiên Thiên Bát quái, được cho là của vua Phục Hi phát hiện trên lưng con Long Mã hiện lên trên sông Hoàng Hà và nghĩ ra Tiên Thiên Bát quái phối với Hà Đồ.

Đồ hình liên hệ Hà đồ và Tiên Thiên bát quái theo cổ thư chữ Hán.



Quán xét đồ hình này – Theo tính chất quái vị lưu truyền qua cổ thư chữ Hán. Cụ thể là cuốn Mai Hoa Dịch , do Thiệu Khang Tiết công bố vào đời Tống – chúng ta nhận thấy: 
Càn (Trời / Kim) nằm ở độ số 7 Dương Hỏa/ Chính Nam trên Hà đồ. Như vậy Hỏa vị khắc Kim quái. 
Đoài (Kim) thì nằm ở độ số 2 là Âm Hỏa/ Đông Nam trên Hà đồ. Như vậy, trường hợp này: Hỏa vị khắc Kim quái. 
Ly (Hỏa) nằm ở độ số 3 Dương Mộc/ Chính Đông của Hà đồ. Như vậy, trường hợp này: Mộc vị sinh Hỏa quái. 
Chấn (Mộc) nằm ở độ số 8 Âm Mộc/ Đông Bắc của Hà đồ. Như vậy, trường hợp này: Mộc vị hòa Mộc quái. 
Khôn (Thổ) nằm ở độ số 1 Dương Thủy/ Chính Bắc của Hà đồ. Như vậy, Thổ quái khắc Thủy vị. 
Cấn (Thổ/ Núi) nằm ở độ số 6 Âm Thủy/ Tây Bắc của Hà đồ. Trường hợp này: Thổ quái khắc Thủy vị. 
Khảm (Thủy) nằm ở độ số 9 Dương Kim/ Chính Tây của Hà đồ. Trường hợp này Kim vị sinh Thủy quái. 
Tốn (Gió / Mộc) nằm ở độ số 4 Âm Kim/ Tây Nam của Hà đồ. Trường hợp này, Kim vị khắc Mộc quái. 
Quán xét hiện tượng trên, chúng ta cũng nhận thấy ngay rằng: 
Không hề có sự tương thích nào giữa hành của quái theo cổ thư chữ Hán với hành của phương vị trên Hà đồ. 
Có người dẫn sách khác cho rằng vị trí sắp xếp trên Càn - nằm ở phương Nam là không chính xác mà Càn nằm ở vị trí chính Bắc, Khôn nằm ở vị trí chính Nam trên Hà đồ. Tương quan các vị trí của các quái trong Bát quái Tiên thiên không thay đổi. 
Chúng tôi đã sắp xếp theo vị trí được đặt ra ở trên và thể hiện dưới đồ hình sau đây.




Đồ hình liên hệ Hà đồ và Tiên Thiên bát quái

Quán xét đồ hình này – Theo tính chất quái vị lưu truyền qua cổ thư chữ Hán. Cụ thể là cuốn Mai Hoa Dịch , do Thiệu Khang Tiết công bố vào đời Tống.
Càn (Trời / Kim) nằm ở độ số 1 Dương Thủy / Chính Bắc, 
Đoài (Kim) thì nằm ở độ số 6 là Âm Thủy/ Tây Bắc trên Hà đồ. 
Như vậy, trường hợp này: Kim quái sinh Thủy vị 
Ly (Hỏa) nằm ở độ số 9 Dương Kim / Chính Tây của Hà đồ. 
Như vậy, trường hợp này: Hỏa quái khắc Kim vị. 
Chấn (Mộc) nằm ở độ số 4 Âm Kim / Tây Nam của Hà đồ. 
Như vậy, trường hợp này: Kim vị khắc Mộc quái. 
Khôn (Thổ) nằm ở độ số 7 Dương Hỏa / Chính Nam của Hà đồ. 
Cấn (Thổ/ Núi) nằm ở độ số 2 Âm Hỏa / Đông Nam của Hà 
đồ. 
Trường hợp này: Hỏa vị sinh Thổ quái. 
Khảm (Thủy) nằm ở độ số 3 Dương Mộc / Chính Đông của Hà đồ. 
Trường hợp này Thủy quái sinh Mộc vị. 
Tốn (Gió / Mộc) nằm ở độ số 8 Âm Mộc/ Đông Bắc của Hà đồ. Trường hợp này, Mộc quái tương hòa Mộc vị. 
Quán xét hiện tượng trên, chúng ta cũng nhận thấy ngay rằng: 
Không hề có sự tương thích nào giữa hành của quái theo cổ thư chữ Hán với hành của phương vị trên Hà đồ đã được thay đổi như trên. Trên thực tế, với tương quan của đồ hình Tiên thiên bát quái thì dù bạn đọc có xoay như thế nào cũng không thể nào tìm được sự tương thích giữa quái vị và phương vị trên cơ sở Ngũ hành của Hà đồ và Ngũ hành của bát quái. 
Để tiếp tục tìm sự bí ẩn qua câu hỏi này, chúng ta tiếp tục quán xét sự tương thích theo cổ thư chữ Hán là: “Hậu thiên bát quái bản Lạc thư dã” (Đồ hình Hậu thiên bát quái xuất phát từ với Lạc thư Chu Hy). Xin quí vị quan tâm xem hình dưới đây: 



Đồ hình Cửu cung Lạc thư theo cổ thư chữ Hán




Hậu thiên bát quái Văn Vương liên hệ Lạc thư theo cổ thư chữ Hán




Như vậy, với ngay cả Hậu thiên bát quái vốn là một cơ sở của những phương pháp ứng dụng bao trùm trên mọi lĩnh vực cũng không hề có sự tương thích với Lạc thư.

Đây chính là nguyên nhân để học giả uyên bác Nguyễn Hiến Lê cho rằng:

Nhất là so sánh những hình đó với hình Bát quái thì dù giàu trí tưởng tượng tới mấy cũng không thể bảo rằng Bát quái phỏng theo hai đồ hình đó được”. 

(Kinh Dịch - Đạo của người quân tử)

Chính vì tính bất hợp lý của sự liên hệ ngay từ nguyên lý căn để của thuyết Âm Dương Ngũ hành là “Tiên thiên Bát quái phối Hà đồ” và “Hậu thiên Bát quái với Lạc thư” – được lưu truyền trong cổ thư chữ Hán từ hàng ngàn năm nay – đồng thời với sự xuất hiện muộn màng đến mức phi lý của những đồ hình này trong lịch sử văn minh Hán so với chính bản văn chữ Hán về sự xuất hiện của nó, đã cho thấy những mâu thuẫn rất căn bản ngay trong nội dung cua 3thuyết Âm Dương Ngũ hành theo cổ thư chữ Hán. Đồng thời đó cũng chính la 2nguyên nhân để có những kết luận sai lầm cho rằng:

1) Âm Dương trong Kinh Dịch không liên quan gì đến Ngũ hành. 
2) Âm Dương Ngũ hành là của người Việt và Bát quái là của người Hán. Hai học thuyết này hoà nhập vào thời Hán. 
Những sai lầm của luận điểm này vì những nhà nghiên cứu đã không xuất phát từ một tiêu chí và phương pháp luận khoa học. Họ chỉ nhìn thấy một cách trực quan từ những nội dung trong bản văn chữ Hán và không biết rằng cổ thư chữ Hán Không phải là những căn bản hoàn chỉnh về thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Chính từ những sai lầm từ nguyên lý căn để ngay trong nội dung của nó, khiến cho dù có sự cố gắng trải hơn 2000 năm, người Hán và cả thế giới này vẫn không thể tìm ra những bí ẩn của nền văn minh Đông Phương.

Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.

III – NỘI DUNG THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG BẢN VĂN CHỮ HÁN 
KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG PHẢN ÁNH THỨC TẠI KHÁCH QUAN.
Một học thuyết ra đời phải xuất phát từ một thực tại khách quan trong quá trình tiến hóa và phát triển của nhận thức - Từ trực quạn sinh động đến nhận thức thực tại và cuối cùng là hình thành tư duy trừu tượng khái quát thực tại và sự tổng hợp những nhận thức đó tiến đến hình thành một học thuyết giải thích các hiện tượng nhận thức được. Dù đó là học thuyết gì, nhân danh tôn giáo, tâm linh, sự sai lầm hay đúng đăn, đúng một phần hay toàn bộ thì nó vẫn phải có một hiện thực để phản ánh mà con người nhận thức được. Thí dụ như cách giải thích theo tôn giáo cho các học thuyết tôn giáo: Giải thích từ sự hình thành vũ trụ - do ý muốn của Thượng Đế, cho đến sự vận động của các thiên hà, đến mọi hiện tượng ...đều do ý muốn của Thượng đế. Thuyết tôn giáo này giải thích thực tại khách quan mà con người nhận thức được. Thuyết tôn giáo này có tính hệ thống, tính nhất quán và nó giải thích một cách hợp lý trên cơ sở phương pháp luận của nó. Nhưng nó không mang tính khoa học vì thiếu tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri. Chẳng ai đoán được Thương Đế muốn cái gì và ý muốn của Thượng Đế thì không tuân thu theo quy luật nào.

Nhưng, trong các bản văn chữ Hán liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành thì chúng ta không thể lý giải được chúng phản ánh một thực tại nào làm nên khả năng tiên tri của Dịch và các bộ môn tiên tri. Những khái niệm rất mù mờ: Quẻ Càn vừa là trời, vừa là cha, vừa là con ốc, vừa là con ba ba....vv....Hoặc oái oăm hơn - Trong Phong Thủy thì Khôn lại tượng cho người đàn ông chứ không phải đàn bà, mẹ...vv...như trong Dịch học. Vậy bản chất của chúng là gì? Hoặc Cấn là núi, Đoài là đầm ..không lẽ trước khi vũ trụ hình thành đã có núi, có đầm? Đây cũng là thắc mắc của các nhà nghiên cứu Dịch ở miền Nam trước 1975.
Hay nói chính xác hơn, người ta không thể hiểu được vì sao lại có mối liên hệ với các thực tại trên với nội dung các quẻ được miêu tả trong các bản văn chữ Hán.

Nhưng khả năng tiên tri trong các phương pháp dự báo với phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành thì cực kỳ huyền vĩ. Có thể nói rằng: Không có một lý thuyết khoa học hiện đại nhất được vinh danh trong thời đại hiện nay có thể tạo ra những phương pháp tiên tri như vậy.

Tuy nhiên, có thể nói rằng:

Mặc dù trong các bản văn chữ Hán, thiếu hẳn tính hợp lý cho việc giải thích các vấn đề liên quan, thiếu tính nhất quán, tính hoàn chỉnh, nhưng đầy đủ tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri, thể hiện trong các phương pháp ứng dụng.

Hay nói cách khác: Đây chính là hệ quả và những yếu tố phù hợp với tiêu chí khoa học cho một học thuyết khoa học.

Cả thế giới đã chú ý đến Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành. Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc đã bốn lần tổ chức những cuộc hội thảo với qui mô hoàng tráng tại Bắc kinh - Thủ đô của nền văn minh Hoa Hạ - nơi được cả thế giới cho rằng là cội nguồn của nền văn minh Đông phương, nhưng họ đã không thu được kết quả nào từ những cuộc hội thảo hoàng tráng ấy.

Người ta không thể lần ra manh mối những thực tại nào được phản ánh trong các khái niệm liên quan từ các bản văn chữ Hán liên quan đến Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.

IV – KẾT LUẬN

Như vậy, xét trên ba tiêu chí cho một lý thuyết khoa học là: Tính lịch sử, tính nhất quán và hợp lý trong nội dung, tính phản ánh thực tại khách quan đều không thể thỏa mãn cho việc Thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch có cội nguồn từ văn minh Hán. Cho đến ngày nay, toàn bộ những di sản của thuyết Âm Dương Ngũ hành có nguồn gốc từ cổ thư chữ Hán vẫn dậm chân tại chỗ và không hề phát triển. Ngay tại Trung Quốc, nơi được coi là cội nguồn Lý học Đông phương thì chính các học giả Trung Quốc cũng lên tiếng đòi dep bỏ Đông y, coi Phong thủy chỉ là sự bịp bợm. Sự bế tắc cả hàng ngàn năm trong bản văn chữ Hán liên quan đến Kinh Dịch và thuyếtt Âm Dương Ngũ hành là một minh chứng xác đáng tính mơ hồ và không có đủ khả năng phản ánh một thực tại khách quan trong các bản văn chữ Hán. Nên nó đã bị phủ nhận bởi chính người Trung Quốc và ngay cả những học giả uyên bác, cũng cho rằng: Lý học Đông phương chỉ truyền lại bởi trực giác và kinh nghiệm.

Cội nguồn thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch không thuộc về nền văn minh Hoa Hạ thì nó từ đâu tới? 

Trong lịch sử văn minh Đông phương, ngay bên cạnh nền văn minh Hoa Hạ từ hơn 2000 năm trước, đã tồn tại một nền văn minh huyền vĩ với danh xứng văn hiến. Đó là quốc gia Văn Lang dưới triều đại của các vua Hùng có biên giới Bắc giáp Động Đình hồ; Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba thục và Đông giáp Đông Hải. Việc mình chứng cộio nguồn của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch thuộc về nền văn hiến Việt cũng chính là một minh chứng sắc sảo:

Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến và biên giới Văn Lang một thời huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương tử:

Danh xưng văn hiến của dân tộc Việt chính bởi căn cứ vào một học thuyết xuyên suốt giải thích từ sự hình thành vũ trụ, cho đến mọi vấn đề liên quan đến con người, từ những thiên hà khổng lồ đến các hạt vật chất nhỏ nhất. 

Bạn đọc có thể coi như đây là một giả thuyết và sẽ được tiếp tục minh chứng ở các bài viết tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét